Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Làm gì khi bị ngộ độc thức ăn?

Ngộ độc thức ăn khiến người bệnh nôn mửa, tiêu chảy, bụng đau quặn thắt. Vậy cần phải làm gì nếu cơ thể bạn rơi vào thảm cảnh như thế này?


1.     Nhanh chóng bù nước

Nếu bạn thường xuyên phải nôn mửa hoặc bị tiêu chảy do ngộ độc, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng bị mất nước và các chất điện giải. Hãy uống bổ sung oresol và nước để bù lại lượng đã mất đi. Lưu ý uống từng ngụm nhỏ, trong thời gian dài, không nên uống một lúc quá nhiều. Uống nước trái cây, hoặc nhấm nháp một bát canh, súp cũng là cách tốt để bù nước và dinh dưỡng.

Trong trường hợp các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy không dừng lại, hãy tới gặp bác sỹ ngay để được truyền dịch vào tĩnh mạch.

Bật mí: Bạn cũng có thể tự làm cho mình một ly nước bù điện giải, trong trường hợp không có sẵn hoặc không thể mua Oresol. Trộn ½ muỗng café muối, ½ muỗng baking soda và 4 muỗng canh đường vào 1 lít nước. Khuấy cho đến khi tất cả thành phần tan hết trước khi uống.


>> Xem thêm: Rối loạn đại tiện là triệu chứng của những bệnh nào?

2.     Ăn một chút đồ ăn “lót dạ”

Khi triệu chứng buồn nôn đã giảm hoặc cảm thấy đói, bạn có thể ăn một chút đồ ăn lành như cháo, chuối, bánh mì nướng. Những thực phẩm này có thể làm dịu dạ dày của bạn, giảm cảm giác buồn nôn.
Đối với các món ăn khác như khoai tây, rau củ, hãy nấu chín mềm và ăn một cách chậm rãi.


3.     Không uống sữa

Khi cơ thể bạn chống lại trạng thái ngộ độc thực phẩm, chúng sẽ tạm thời không dung nạp lactose. Trong một vài ngày sau đó, bạn không nên uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, sữa chua, v.v…

4.     Kiêng đồ cay hoặc giàu chất xơ

Bạn nên kiêng các đồ ăn cay nóng như tiêu, tỏi, ớt, đồng thời giảm các loại thực phẩm khó tiêu, hoặc giàu chất xơ như cam quýt, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc.

5.     Đặc biệt kiêng cafe và rượu

Café, rượu là các chất lợi tiểu, sẽ làm bạn đi tiểu nhiều hơn dẫn tới mất nước. Ngoài ra, chúng cũng không tốt cho hệ thống tiêu hóa đang... “trục trặc”.