Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Trong nhà nên có các loại thuốc tiêu hóa nào?

Các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa xảy ra khá phổ biến đối với người thân trong gia đình bạn do thói quen ăn uống không tốt, nhiễm độc, nhiễm khuẩn từ thực phẩm hoặc các bệnh viêm đại tràng, dạ dày xuất phát từ căng thẳng, stress. Để điều trị các triệu chứng này một cách nhanh chóng trước khi sử dụng phương pháp Đông y, tủ thuốc của gia đình bạn nên có sẵn một số loại thuốc Tiêu hóa dưới đây:

1. Thuốc uống bù nước và điện giải

Oresol là thuốc có tác dụng bù chất điện giải và nước trong các trường hợp tiêu chảy cấp từ nhẹ đến vừa. Mỗi gói thuốc Oresol khi dùng cần hòa tan trong một lít nước đun sôi để nguội hoặc gói nhỏ (5g) pha với 200ml nước. Nếu tiêu chảy liên tục uống 100 - 200 ml/kg/24 giờ cho đến khi hết tiêu chảy. Người lớn tối đa uống 1000 ml/giờ. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì cần dùng với liều lượng ít hơn, uống từng ít một và nhiều lần.

2. Thuốc Smecta

Smecta thường được chỉ định chủ yếu cho các trường hợp đi ngoài lỏng, tiêu chảy. Về bản chất, Smecta sẽ tương tác với lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc, che phủ và bảo vệ bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa, tránh vi khuẩn gây bênh có thể bám vào niêm mạc ống tiêu hóa. Đây là loại thuốc tiêu chảy phổ biến, giúp cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày hoặc tình trạng tiêu chảy tái đi tái lại nhiều lần, hoặc tiêu chảy kèm theo triệu chứng phân nhầy máu, nôn ói dữ dội thì cần thăm khám bác sĩ mà không nên tự dùng Smecta kéo dài.


Nên có Smecta trong tủ thuốc nhà bạn

3. Loperamid

Loperamid có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân và giảm số lần đi ngoài.

Lúc đầu bệnh nhân có thể uống 4 mg, sau đó mỗi lần đi lỏng uống 2 mg cho tới khi ngừng tiêu chảy. Không dùng quá 5 ngày trong tiêu chảy cấp. Chú ý không sử dụng thuốc cho người bị hội chứng lỵ, bụng chướng, có tổn thương gan, viêm đại tràng nặng. Loperamid cũng được khuyến cáo không được dùng trong điều trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ.

>> Xem thêm: Dùng thuốc trong điều trị viêm đại tràng mãn tính

4. Men vi sinh

Men vi sinh có chứa các lợi khuẩn đường ruột, có tác dụng cân bằng hệ vi khuẩn cộng sinh trong ruột để luôn duy trì tỷ lệ (85% lợi khuẩn – 15% vi khuẩn gây hại).
Trên đây là một số loại thuốc chủ yếu cần có trong gia đình để đề phòng bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn quan tâm đến một nguyên tắc khi xây dựng tủ thuốc là nên bỏ những thuốc đã quá hạn sử dụng. Các loại thuốc mà bao bì, vỉ, lọ đã bị nứt vỡ cũng không nên giữ lại. Loại bỏ các thuốc thấy đã chuyển màu, có dấu hiệu phân rã, lắng đọng (thuốc nước).
Bên cạnh việc chuẩn bị một số loại thuốc tiêu hóa cơ bản thì bạn cũng đừng quên “thủ sẵn” một vài hộp trà gừng, gừng phơi khô và trà bạc hà. Gừng là vị thuốc đông y có tác dụng trị đầy hơi và chướng bụng, khó tiêu rất hiệu quả. Tính mát của bạc hà cũng có thể giúp làm dịu một số rối loạn tiêu hóa và có tác dụng chống viêm và khử trùng khá tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét